Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng toàn thể các đồng chí trong Bộ Chính trị; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tham dự.
Thanh Hóa là tỉnh lớn, dân số đông, hiện có trên 3,7 triệu người (chỉ sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh). Sinh thời, khi Bác Hồ về thăm Thanh Hóa, đã từng nói “Thanh Hóa muốn trở thành tỉnh kiểu mẫu nhất định được, vì người đông, của cải nhiều…”.
Thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, 10 năm qua, Thanh Hóa đã khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đột phá, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Năm 2020, ước tính quy mô nền kinh tế lớn gấp 4,5 lần so với năm 2010; thu ngân sách đứng thứ 11 cả nước, từng bước trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu kinh tế Nghi Sơn, du lịch hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; là một trong những tỉnh có số lượng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới cao nhất cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh dần được cải thiện, tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn FDI, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 2.670 USD, gấp 3,3 lần năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, nhất là ở các huyện miền núi.
Tuy nhiên, Bộ Chính trị lưu ý, Thanh Hóa vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa còn thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế; mức độ ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực chưa cao…
Trên cơ sở phân tích những tiềm năng, lợi thế, thuận lợi và khó khăn, Bộ Chính trị nhất trí về quan điểm, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp; dịch vụ du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; người dân có mức sống cao; quốc phòng an ninh được bảo đảm vững chắc; xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Năm 2045, Thanh Hóa phấn đấu là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Bộ Chính trị thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết “xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Thanh Hóa trong vùng và cả nước; hiện thực hóa lời căn dặn của Bác Hồ khi về thăm tỉnh; đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút mọi nguồn lực, đảm bảo sự phát triển nhanh, đột phá và bền vững của tỉnh trong bối cảnh mới, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Thanh Hóa có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, đối ngoại và quốc phòng an ninh của Tổ quốc. Việc Bộ Chính trị lần đầu tiên ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển Thanh Hóa, có ý nghĩa mở đường cho tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như Bác Hồ từng căn dặn.
Nguồn bài viết : TK Loto